Khó khăn trong công tác phòng chống lao
Thống kê tại Bệnh viện phổi Bình Thuận, năm 2017 Bệnh viện tiếp nhận và điều trị hơn 1.500 lượt bệnh nhân; trong đó chủ yếu là lao phổi. Hầu hết những người nhập viện trong tình trạng nhiễm lao nặng với biến chứng: ho ra máu, tràn khí màng phổi… Nguyên nhân là do phát hiện bệnh quá trễ. Đến khi cấp cứu tại Bệnh viện, các bệnh nhân mới biết mình bị bệnh lao.
Ghi nhận tại huyện Tuy Phong, toàn huyện có 12 xã, thị trấn đều có bệnh nhân lao, nhưng lượng bệnh tập trung tại hai thị trấn là Liên Hương và Phan Rí Cửa. Năm 2017, huyện Tuy Phong thu dung 200 bệnh nhân lao, trong đó có 7 trường hợp lao kháng thuốc. Bác sĩ CK1 Nguyễn Quốc Tuấn (Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong) cho biết, năm 2017 kinh phí chương trình chống lao bị cắt giảm, một số thuốc chống lao còn thiếu, chưa đáp ứng điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Đa số bệnh nhân lao là người nghèo, thu nhập thấp, là lao động biển và là trụ cột của gia đình.
Vì vậy, trong giai đoạn điều trị tấn công, phải tới Trạm Y tế chích thuốc hàng ngày nên khó khăn trong việc kiếm thu nhập từ lao động biển. Thêm vào đó, người dân chủ yếu phát hiện bệnh khi tình cờ khám tổng quát. Điển hình như bệnh nhân Nguyễn Văn S. ở khu phố 14 thị trấn Liên Hương huyện Tuy Phong. Ông S. cho biết, trong đợt khám bệnh tổng quát tại thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ cho chụp phim X-quang, nghi ngờ ông bị lao phổi. Sau đó, ông về Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong khám và điều trị bệnh. Sau 3 tháng điều trị bệnh lao, sức khỏe ông dần ổn định.
Y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trạm Y tế thị trấn Liên Hương chia sẻ: Bệnh nhân lao của thị trấn Liên Hương huyện Tuy Phong là lao động biển, hàng ngày phải đi biển từ 3 giờ chiều tới gần trưa hôm sau mới vô bờ. Vì vậy, trong 2 tháng điều trị tấn công, người bệnh phải bỏ biển ở nhà điều trị, trong khi thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào lao động chính, sẽ rất khó khi thuyết phục bệnh nhân ở nhà điều trị.
Không chỉ thị trấn Liên Hương gặp khó trong công tác phòng chống lao, mà hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều như vậy. Bác sĩ Võ Thị Thu, Trưởng Trạm y tế xã Tân Bình, thị xã La Gi cho biết: Được sự hỗ trợ về chuyên môn từ Trung tâm Y tế thị xã La Gi cùng với các ban ngành đoàn thể của xã hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, năm 2017, Trạm y tế xã Tân Bình, thực hiện 72 ca thử đàm, phát hiện được 9 trường hợp mắc bệnh lao mới, các thông số đều vượt với chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân lao tại địa phương đều là người khó khăn về kinh tế, không có công ăn việc làm ổn định, cộng với hiểu biết về bệnh lao còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân bỏ trị giữa chừng, lao kháng thuốc và lao tái phát cũng gặp tại địa phương. Ông Nguyễn C., xã Tân Bình, thị xã La Gi cho biết; sau 6 tháng điều trị tại Trạm y tế xã Tân Bình, ông tiếp tục thấy sức khoẻ không bình thường, quyết định vào Trung tâm Hòa Hảo tại thành phố Hồ Chí Minh, khám tổng quát, bác sĩ xác nhận ông còn vi trùng lao. Trở về xã Tân Bình xin giấy vào Bệnh viện phổi tỉnh Bình Thuận điều trị.
Anh Nguyễn Thanh Long, chuyên trách Lao Trạm Y tế xã Tân Bình, Thị xã La Gi nói: hàng tháng đều xuống nhà bệnh nhân thăm hỏi và nắm bắt tình hình bệnh, hiện tại; nhận thức về bệnh lao của người dân xã Tân Bình hiện vẫn còn hạn chế, do vậy vấn đề tư vấn cho người dân hiểu về bệnh là việc làm hết sức quan trọng, khi cộng đồng không xa lánh người mắc bệnh lao sẽ có động lực theo hết phác đồ điều trị bệnh.
Xác định những khó khăn trên, năm 2018, Trạm y tế xã Tân Bình tăng cường công tác khám phát hiện bệnh nhân mới, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng bệnh, lồng ghép các buổi khám sức khỏe, động viên người dân đi khám sớm khi nghi ngờ mình mắc bệnh.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi nhận định, hiện tại công tác phòng chống lao vẫn gặp nhiều thách thức. Trong đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, có thu nhập thấp, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Bên cạnh đó, người mắc bệnh lao vẫn còn chịu nhiều định kiến của xã hội, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân về đời sống...
Vậy bằng cách nào để người dân sớm tiếp cận với dịch vụ y tế, khi có nghi ngờ bị mắc lao? Cần phát hiện sớm bệnh lao với các triệu chứng như: Ho khạc kéo dài hơn một tuần, đau tức ngực, sút cân nhanh, sốt về buổi chiều... thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, làm các xét nghiệm cần thiết và được tư vấn.
Hiện nay, thuốc điều trị bệnh lao được Chính phủ tài trợ miễn phí hoàn toàn. Tại Bình Thuận, chương trình phòng chống lao đã triển khai từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Những người mắc và nghi ngờ mắc bệnh lao có thể đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hùng cho biết, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời, thì công tác tuyên truyền phải thật sự đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân thực sự chung tay góp sức vào công tác phòng chống lao một cách tích cực. Như vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống lao mà cần phải có sự phối hợp của cả cộng đồng, toàn xã hội và của mỗi cá nhân.