Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)
I. Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh
1. Hoàn cảnh ra đời
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực
hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa.
Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù
trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất
cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ
chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện
đời sống nhân dân.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định
không chịu làm nô lệ”1, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến,
chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra
sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn
hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "… mục
đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng
thành công"2.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1000 ngày
kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945),
ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức
phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mỗi người dân
Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở
nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn
hoá. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta,
với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể
thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
2. Ý nghĩa
- Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn,
động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống
yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian
1 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000
2 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000
khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách
mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
- Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thể
hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là
văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực
tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ
thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng
đời sống mới, xã hội mới, con người mới.
II. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và sự vận dụng vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ
tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận
dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ
nghĩa, về vai trò của quần chúng kết hợp với truyền thống yêu nước, chống ngoại
xâm của dân tộc và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”; những bài nói, bài viết của
Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ đạo thực tiễn của Người, rút ra một số điểm cơ bản
trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như sau:
- Quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư
tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một
trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng
lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng
hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế,
làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc,
tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều
làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và,
những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
- Mục đích thi đua yêu nước: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi
thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua
yêu nước là “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để đem lại kết
quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội
đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập
hoàn toàn”3.
- Nội dung thi đua yêu nước: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ
nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh
vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp,
hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề
cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi
người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí
Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu,
nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự,
kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện
kháng chiến”4.
- Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải
dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”5; các phong
trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác,
sáng tạo và sức lực của các tầng lớp Nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
- Phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải
ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao.
“giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi
đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào
thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và
thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
75 năm một chặng đường lịch sử, cùng với đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ
Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các
phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian
khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua
75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được
Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các
3,4,5 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội-2000
phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp Nhân dân vượt qua gian nan, thử
thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh
giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
vào phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước
trong từng giai đoạn cách mạng
Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy
lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai
cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in
đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu
phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các
lĩnh vực; ở mọi tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược,
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước
mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập
công; ở hậu phương, Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt “giặc
đói”, diệt “giặc dốt” và diệt “giặc ngoại xâm”. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba
đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà
Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt",... đã thực sự
trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các
cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà
đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân
năm 1975.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi
đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của
từng địa phương, cơ quan, đơn vị: Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa
đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở
thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng
cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội
nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng
nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp
trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động
sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân
vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây
dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước
chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau",...
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu
trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu
ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp
được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua đã
bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống
của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của
đất nước trên mọi lĩnh vực.
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong xây dựng và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính
sách về công tác thi đua - khen thưởng
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, vận dụng vào điều
kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành kịp
thời chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác
thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Đặc biệt là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều chủ
trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các
phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung,
hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu,
nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.
Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ
thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về đổi mới công tác
thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004
của Bộ Chính trị (khóa IX) Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu
nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-
CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới
công tác thi đua, khen thưởng...
Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013); Luật Thi đua khen thưởng
(2022).
Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị
định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của
Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng...
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác
thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn
thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến
sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp
Nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Qua thực tiễn các phong trào thi đua,
đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến
trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc: Đó là, những tấm gương lao
động điển hình trên các công trình xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất,
kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hoá, khoa học, y tế, giáo dục,… Xuất
hiện nhiều tập thể và cá nhân tài năng, sáng tạo, có đạo đức kinh doanh, chấp hành
pháp luật, làm lợi cho đất nước… Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân
đội, công an, biên phòng, hải quan, kiểm lâm sẵn sàng hy sinh trên mặt trận phòng,
chống tội phạm, lâm tặc, buôn lậu…
Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác
khen thưởng 75 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi
tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công
cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
III. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác
khen thưởng trong 5 năm (2017- 2022); phương hướng, nhiệm vụ trong thời
gian tới
1. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước
- Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu
quả, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước
+ Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: Trong 5 năm
(2017 - 2022) phong trào tiếp tục được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung
phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp
phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Các ban, bộ,
ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp
thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban
hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy
nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện
Phong trào thi đua, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù
hợp với từng vùng, miền, địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai,
đánh giá phong trào; huy động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, đóng góp trí
tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới;
tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân
dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.
+ Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”:
Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua, công tác giảm nghèo đã đạt
được nhiều thành tựu lớn như: các hộ nghèo đã có xu hướng giảm; nhiều hộ gia
đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để người dân
có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng chuẩn nông thôn
mới. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa
phương và sự vươn lên, vượt khó của người dân trong hoàn cảnh khó khăn để làm
giàu chính đáng. Phong trào đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn
Đảng và Nhân dân, là động lực quan trọng mang lại những thành tựu lớn và toàn
diện trong lĩnh vực giảm nghèo.
Qua 05 năm thực hiện, phong trào thi đua đã góp phần tích cực trong thực
hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới
3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Điều kiện cơ
sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn
miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người
nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo ở nước ta
thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và
đánh giá cao.
+ Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”: Trong
cộng đồng doanh nghiệp, phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trên các phương
diện: thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt
động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng doanh
thu, lợi nhuận. Cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động áp dụng
khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái
cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá
trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây
dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh
doanh thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Tập trung nguồn
lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và
thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh.
Thông qua phong trào thi đua nhiều giải pháp hỗ trợ về phát triển doanh
nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. Do
dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất
kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã tích
cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: tham mưu hoặc
ban hành văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
thông qua nhiều gói hỗ trợ; thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín
dụng; gia hạn thời hạn nộp thuế và cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
trả lương cho người lao động và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội... Đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải
quyết công việc bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời tiếp nhận, giải quyết các
kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp...
+ Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công
sở”: Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng
cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở của
cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; nâng cao ý thức trách
nhiệm nêu gương của người đứng đầu, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối
làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ,
góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu
cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khắc phục những biểu hiện lệch
chuẩn trong tác phong, lề lối, tinh thần, thái độ làm việc cũng như giao tiếp, ứng
xử với Nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức làm ảnh hưởng đến niềm
tin của Nhân dân; phấn đấu xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử, kỹ năng giao
tiếp của đội ngũ công chức, viên chức chuẩn mực, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách
nhiệm, thân thiện trong hoạt động công vụ.
+ Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi
đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19": Hưởng ứng phong trào thi đua
do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục phát
huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn,
thách thức để chiến thắng đại dịch. Các ban, bộ, ngành, địa phương đã hưởng ứng
tham gia phong trào thi đua đặc biệt cũng như ban hành kế hoạch, chương trình
nhằm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã
hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động phát triển
kinh tế, xã hội được phục hồi, nền kinh tế vượt qua khó khăn và tiếp tục tăng trưởng,
an sinh xã hội được bảo đảm, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả.
Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm sáng
tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều tổ chức, đoàn thể,
cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều hành động đẹp, thiết thực góp phần
phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Cùng với đó nhiều tấm gương “người
tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tinh thần đoàn kết,
tương thân, tương ái đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến sức mạnh và
niềm tin tất thắng, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” phòng, chống
đại dịch Covid-19 của đất nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn
kết đồng lòng của Nhân dân, cả nước đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu
kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,
bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân.
- Phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội,
quốc phòng, an ninh được phát động và tổ chức triển khai sâu rộng ngay từ đầu
các năm ở các ngành, các cấp, các vùng miền, địa phương trong cả nước, góp
phần tạo không khí thi đua sôi nổi trên khắp cả nước
Các ban, bộ, ngành Trung ương đã phát động các phong trào thi đua thực hiện
thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây
dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành
chính trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của
Bộ Công an; Phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì và
nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả
trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia,
như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập
quốc tế” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phong trào thi đua “Lao động
giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động
công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phong trào thi đua “Nông
dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo
bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và
“Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” của Trung ương Hội Nông dân
Việt Nam; Phong trào thi đua “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình” và “Xây
dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam; Phong trào thi đua với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”,
của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào thi đua
“Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam…
2. Kết quả thực hiện công tác khen thưởng
Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung
ương và các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới
trong công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước,
các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã kịp thời phát hiện, biểu
dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích
tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái
thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản quy
định chi tiết thi hành, các ban, bộ, ngành, địa phương đã bám sát các nhiệm vụ
chính trị triển khai công tác khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể,
cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện
nhiệm vụ được giao; các tấm gương dũng cảm trong giữ gìn an ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội, những cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong đấu tranh
phòng, chống tội phạm đã được các cấp tổ chức trao thưởng ngay tại địa phương,
đơn vị phải kết hợp với tuyên truyền gương người tốt, việc tốt.
Khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã
hội, khen thưởng niên hạn, khen thưởng quá trình cống hiến được triển khai thực
hiện đúng quy định và công khai, minh bạch. Cơ quan chuyên trách làm công tác
thi đua khen thưởng các cấp đã kịp thời thẩm định, trình cấp có thẩm quyền thực
hiện khen thưởng đột xuất bảo đảm kịp thời để tuyên dương các tập thể, cá nhân có
thành tích đặc biệt xuất sắc. Tập trung khen thưởng phục vụ các nhiệm vụ chính
trị, khen thưởng theo chuyên đề; khen thưởng các tập thể, cá nhân trong học tập và
làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh; khen thưởng đối ngoại
được thực hiện thường xuyên đúng quy định đã kịp thời ghi nhận những đóng góp
của tập thể, cá nhân người nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát kinh tế -
xã hội của đất nước.
Trong 5 năm qua, các cấp các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện bình xét các danh hiệu thi đua, tặng nhiều
bằng khen, giấy khen, cờ thi đua để kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào
thi đua yêu nước. Từ năm 2017 đến năm 2022, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng
07 Huân chương Sao Vàng; 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 5930 Huân chương
Độc lập các hạng, 13.862 Huân chương lao động các hạng, 295 Huân chương Quân
công, 15.055 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 24.939 Huân chương Chiến công, 48
Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 30 Huân chương Dũng cảm, 793 Huân chương
Hữu nghị, 418 Huy chương Hữu nghị, 235.593 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, 75.
167 Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 14.156 Huy chương Vì An ninh Tổ quốc,
56 Anh hùng Lao động, 310 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 19 Danh hiệu
Nhà giáo Nhân dân, 919 Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 116 Danh hiệu Thầy thuốc
Nhân dân, 1698 Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, 84 Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 307
Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 136 Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 1.205 Danh hiệu
Nghệ nhân Ưu tú, 71 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 157 Giải thưởng Nhà nước,
38.261 Bằng khen Thủ tướng, 6.268 Cờ Thi đua của Chính phủ, 330 Danh hiệu
Chiến sỹ thi đua toàn quốc. 4679 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 38.261, 8.412 Kỷ
niệm chương tù đày 3699 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 1901 Huy chương
kháng chiến chống Mỹ, 34 Huân chương kháng chiến chống Pháp, 176 Huy
chương kháng chiến chống Pháp.
3. Phương hướng, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và
công tác khen thưởng trong thời gian tới
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua
yêu nước toàn quốc lần thứ X
+ Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc
các cấp, các ngành, các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào
thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Kế
hoạch 05 năm (2021- 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng.
+ Các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần có mục tiêu thiết
thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội
của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được tiến hành thường xuyên, liên
tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phải phát động các phong trào
thi đua theo đợt, theo chuyên đề; bảo đảm cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm
và nắm điển hình, thường xuyên, lâu dài và hiệu quả.
+ Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong
trào thi đua thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi
đua cần rộng rãi; bảo đảm hài hoà các lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của
cơ quan, đơn vị, địa phương; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội
dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được
sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân.
+ Triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung sức
xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai
đoạn 2021-2025, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công
sở”, trong đó trọng tâm là các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021- 2025,
với 5 nội dung quan trọng là thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát
triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và
hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn
lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước;
thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ
cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thi đua xây dựng và phát
triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tiếp
tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại,
chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát
triển đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà
nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến
Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương
tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng
trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng trong từng đơn vị, cơ
sở. Tấm gương các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin, báo chí
cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng điển
hình tiên tiến, qua đó, phát triển, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua.
- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới
+ Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là
người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Thường
xuyên đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chú trọng việc quán triệt, tuyên
truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong
triển khai công tác thi đua, khen thưởng.
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua,
khen thưởng. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật
về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục củng cố tổ chức,
bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ
trung ương đến địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo
đức tốt, có năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và
tổ chức phong trào thi đua, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những
chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với thời kỳ mới, góp phần
bồi đắp và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị,
hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.
+ Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công
khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa. Tập thể, cá nhân được khen
thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được
giao, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao cho cộng đồng, xã hội.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, kịp thời biểu
dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao và đột xuất, có những hành
động cao đẹp, được xã hội tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ; khen thưởng cho công
nhân, nông dân, người lao động trực tiếp...
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG